Tin tức
Tin tức

PCCC kho lạnh – Nguy cơ và cách phòng tránh

Kho lạnh, môi trường nhiệt độ thấp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ và gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Làm thế nào để chủ động PCCC kho lạnh? Đảm bảo an toàn cho người và các hàng hoá, tài sản bên trong kho lạnh.

Kho lạnh có an toàn PCCC?

Kho lạnh với đặc điểm nhiệt độ thấp là nơi bảo quản và lưu trữ các loại hàng hoá đặc thù như dược phẩm, hoá chất, thực phẩm… Đồng thời, kho lạnh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ dù nền nhiệt thấp, tiêu biểu như các vụ cháy:

Cháy kho lạnh Icheon, Hàn Quốc năm 2008: Vụ cháy kho lạnh chứa hoá chất khiến 27 công nhân thiệt mạng, 10 người bị thương nặng, 13 người mất tích (đã tử vong khi tìm thấy). Khí độc từ đám cháy khiến công tác cứu hộ và chữa cháy gặp khó khăn, nhiều nạn nhân bị biến dạng nặng khi tìm thấy thi thể trong đám cháy.

Cháy kho lạnh ở Finley, Mỹ năm 2020 xuất phát từ sự cố kỹ thuật trong hệ thống làm lạnh đã kéo dài nhiều ngày do gặp khó khăn trong công tác chữa cháy. Đồng thời, gây thiệt hại hàng triệu đô la cùng ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng thực phẩm.

Ngoài ra, tại Việt Nam những năm gần đây cũng xảy ra nhiều vụ cháy kho lạnh như cháy gần 3.000 mét vuông ở Bình Tân (cũ) năm 2021, cháy kho lạnh ở TP Thủ Đức năm 2024. Cháy kho lạnh chứa thực phẩm ở Vĩnh Long năm 2024 gây nhiều thiệt hại về tài sản và khó khăn trong công tác chữa cháy do cấu trúc và nhiệt độ kho lạnh thấp.

Nguyên nhân gây cháy kho lạnh

Tuy kho lạnh có nền nhiệt thấp nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, không đảm bảo an toàn PCCC kho lạnh, cụ thể:

  • Nhiều kho lạnh có kết cấu chính là khung thép thường không được bảo vệ chống cháy đầy đủ, nhanh chóng bị biến dạng và suy yếu khả năng chịu lực khi gặp nhiệt độ cao.
  • Trường hợp gặp sự cố rò rỉ nước, hàng hoá, xâm nhập hơi ẩm bên ngoài, tải trọng tĩnh bổ sung lên cấu trúc kho sẽ bị tăng đột ngột, không nằm trong tính toán khi thiết kế.
  • Kho lạnh thường được thiết kế kín để đảm bảo duy trì nhiệt độ thấp, khả năng thông gió kém đồng thời dễ tích tụ khó và nhiệt.
  • Chất liệu xốp PS – Polystyrene hoặc PU – Polyurethane thường được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt trong các kho lạnh. Nhưng thực tế, các chất liệu này rất dễ bắt lửa và tạo nhiều khói độc khi cháy, gây khó khăn trong công tác chữa cháy.
  • Kho lạnh thường chứa lượng hàng hoá lớn, xếp chồng lên các kệ cao khiến cấu trúc chịu lực bị giảm. Ngoài ra, các sản phẩm bên trong cũng thường sử dụng các vật liệu dễ cháy để đóng gói như bao bì nhựa, thùng carton, pallet gỗ…
  • Hệ thống điện nhẹ trong kho lạnh thường rất phức tạp với nhiều thiết bị làm lạnh công suất lớn. Từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC kho lạnh từ điện như quá tải điện, chập điện, hỏng đấu nối, rò rỉ điện…
  • Một số kho lạnh để duy trì nền nhiệt thấp đã sử dụng các chất làm lạnh dễ cháy nổ như NH3 – Amoniac.
  • Để tăng cường PCCC kho lạnh, ,một số kho hiện đại sử dụng công nghệ giảm oxy. Tuy nhiên môi trường thiếu oxy khi gặp trục trặc hoặc không được vận hành đúng cũng có thể chính là nguyên nhân gây cháy.
  • Cấu trúc kín cùng nhiệt độ âm sâu của kho lạnh khiến công tác chữa cháy gặp khó khăn do nước có thể bị đóng băng và dễ tích tụ khói và khí độc, cản trở tầm nhìn của lực lượng chữa cháy.

Tăng cường biện pháp PCCC kho lạnh

Theo khuyến cáo từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, để đảm bảo an toàn PCCC kho lạnh, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp dưới đây.

Về PCCC kho lạnh

  • Tuân thủ các yêu cầu về thiết kế và xây dựng công trình, ưu tiên sử dụng vật liệu chống cháy hoặc khó cháy cho tường, sàn, trần; sử dụng cáp chống cháy chống nhiễu... Đồng thời lắp đặt đầy đủ hệ thống báo cháy và các thiết bị PCCC theo quy định.
  • Đảm bảo an toàn PCCC điện thông qua lắp đặt đúng tiêu chuẩn, trang bị các thiết bị bảo vệ khi gặp sự cố điện (aptomat, cầu dao), kiểm tra và bảo trì định kỳ toàn bộ hệ thống điện và các thiết bị làm lạnh…
  • Sắp xếp hàng hoá gọn gàng, đảm bảo an toàn PCCC kho lạnh theo quy định về lưu trữ hàng hoá, khoảng cách lưu trữ, khoảng các với các thiết bị điện…
  • Hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy hay lưu trữ các hàng hoá dễ cháy trong kho lạnh
  • Nghiêm cấm hút thuốc và sử dụng lửa trần (đốt nóng, hàn cắt…) tại khu vực kho. Nếu có phát sinh các hoạt động sinh nhiệt, sửa chữa phải được giám sát chặt chẽ.

Về công tác ứng phó trong tình huống có cháy

  • Lắp đặt hệ thống báo cháy tự động phù hợp với cấu trúc, môi trường kho lạnh (ví dụ sử dụng đầu báo cháy sớm dạng hút khói, cảm biến nhiệt…) được kết nối với trung tâm báo cháy hiện đại, sử dụng cáp chống cháy
  • Ưu tiên hệ thống chữa cháy bằng khí sạch (FM-200, CO2, Novec 1230…) để hạn chế hư hỏng hàng hoá khi chữa cháy.
  • Lựa chọn hệ thống chữa cháy Drencher hoặc Sprinkler – Drencher phù hợp với yêu cầu của từng kho lạnh (mục đích hoạt động, thời gian kích hoạt).
  • Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình bột khô, bình chữa cháy dạng khí…
  • Định kỳ kiểm tra và bảo trì thiết bị PCCC theo quy định, lưu hồ sơ PCCC theo mẫu.
  • Xây dựng kế hoạch, phương án PCCC và CNCH chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng.
  • Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức tập huấn và diễn tập PCCC định kỳ, đảm bảo công nhân tại kho lạnh phải nắm vững quy trình và chủ động xử lý khi có cháy.
  • Phối hộp với lực lượng chức năng khi có cháy để kịp thời hỗ trợ.

Tổng hợp thông tin từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

Xem thêm