Nhiều căn chung cư cũ hiện nay chưa đảm bảo an toàn PCCC với ít lối thoát hiểm, tận dụng tối đa diện tích khu vực hành lang, ban công… Người dân cần chú ý về an toàn PCCC và tìm hiểu những phương án thoát hiểm nhanh chóng khi không may xảy ra hoả hoạn.
Ths. KTS Trương Ngọc Quỳnh Châu, Giảng viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Công nghệ TP HCM đã có những chia sẻ từ góc nhìn chuyên gia kiến trúc về vấn đề thoát hiểm, PCCC chung cư.
Thực trạng an toàn PCCC chung cư
Thống kê từ UBND TP. HCM, năm 2023, toàn thành phố có khoảng 1.635 chung cư. Trong đó 744 chung cư xây từ trước năm 1994 (đặc biệt khoảng 474 chung cư đã xây từ trước năm 1975).
Các chung cư cũ tại Việt Nam có đặc điểm là số tầng thấp (chỉ từ 2 – 5 tầng) và mỗi tầng có khoảng 8 – 20 căn hộ. Các chung cư này được thiết kế theo tiêu chuẩn cũ với cầu thang bộ đặt trong nhà để hở, không còn phù hợp với quy mô dân cư sinh sống hiện nay.
Còn các chung cư mới hiện nay đa số là chung cư cao tầng, có tầng hầm để xe và hệ thống kỹ thuật công trình phức tạp, tích hợp nhiều tiện ích, xây dựng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chung cư có liên quan đến kiến trúc hiện nay:
- Căn hộ tối thiểu phải có một phòng ở và một khu vệ sinh, diện tích không được nhỏ hơn 25 mét vuông.
- Đối với dự án nhà ở thương mại, tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 mét vuông không được vượt quá 25% tổng số căn hộ của dự án.
- Căn hộ phải được chiếu sáng tự nhiên (nếu có từ 2 phòng ngủ trở lên thì cho phép 1 phòng không có chiếu sáng tự nhiên).
- Phòng ngủ có diện tích sử dụng không nhỏ hơn 9 mét vuông
- Đối với căn hộ không có ban công hoặc lô gia thì phải bố trí tối thiểu 1 cửa sổ ở tường mặt ngoài có kích thước lỗ cửa thông thuỷ không nhỏ hơn 600 x 800 m nhằm phục vụ công tác PCCC, và CHCN.
- Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC chung cư.
Tuy nhiên, nhiều chung cư cũ hiện nay không có ban quản lý nên chủ nhà thường tự ý cơi nới ban công và che kín lại bằng khung sắt, gây cản trở khi thoát hiểm.
Ngoài ra, một số căn hộ được thiết kế gồm 1 cửa chính và 1 lô gia chính gắn với phòng khách/ phòng ngủ, 1 lô gia phụ phục vụ việc phơi quần áo và để cục nóng máy lạnh. Lô gia phụ thường lùi sâu vào trong công trình nên không phải là ưu tiên khi thoát hiểm.
Giải pháp cho các chung cư cũ
Đối với các chung cư cũ chưa đảm bảo tiêu chuẩn PCCC chung cư thì cần cải tạo lại, chú ý tháo dỡ các không gian cơi nới ở khu vực ban công, giếng trời chung, khe thông gió hành lang… cùng các biện pháp:
- Bố trí thêm lối thoát hiểm bên ngoài như cầu thang sắt
- Cửa thoát hiểm thay bằng vật liệu chống cháy lan, dùng vách đặc ngăn cháy loại 1, ngăn chia phần buồng thang từ tầng hầm lên với buồng thang từ các tầng trên xuống
- Bố trí đầy đủ các thiết bị báo cháy, thiết bị PCCC tại từng tầng và trong các căn hộ
- Khuyến nghị người dân trang bị thêm dây thoát hiểm đối với các chung cư thấp tầng hoặc căn hộ ở tầng thấp.
- Các chung cư không có lối thoát hiểm đảm bảo an toàn cần chủ động bố trí thêm không gian lánh nạn khẩn cấp. Trong phòng khẩn cấp cần trang bị đầy đủ mặt nạ chống khí độc, bình chữa cháy, thiết bị sơ cứu y tế…
- Kiểm tra định kì và bảo dưỡng thiết bị PCCC chung cư, ưu tiên sử dụng cáp chống cháy cho các hệ thống khẩn cấp (nếu có thể)
- Lưu ý khoảng cách an toàn giữa các thiết bị điện công suất cao, thiết bị sinh nhiệt cao với các đồ nội thất dễ cháy, kệ gỗ, tủ gỗ…
- Hành lang chung cần đảm bảo thông thoáng, lối đi giữa các không gian trong căn hộ không bố trí đồ nội thất chắn ngang.
- Khu vực lô gia chính để thoát nạn cần chừa khoảng trống thông thoáng đủ để các thành viên trong gia đình lánh nạn, thoát hiểm cũng như tạo thuận lợi cho công tác cứu hộ.
Hướng dẫn xử lý khi xảy ra cháy chung cư
Bên cạnh PCCC chung cư, người dân cũng cần chủ động các biện pháp xử lý khi xảy ra cháy theo các bước dưới đây:
- Bình tĩnh, đánh giá tình hình để tìm lối thoát gần nhất (nhận định vị trí cháy)
- Sử dụng lối thoát hiểm bằng thang bộ (không sử dụng thang máy)
- Ngắt cầu dao điện chung cư
- Gọi cứu hộ 114 để thông báo vị trí và tình hình cháy
- Dùng mặt nạ chống khói độc trong khi di chuyển hoặc lánh nạn chờ đội cứu hộ
- Nếu không có mặt nạ chống khói độc thì làm ướt khăn che mặt và bịt mũi để hạn chế hít phải khói độc
- Di chuyển thấp qua khu vực có khói để tránh hít nhiều khói độc
- Trường hợp không thoát hiểm xuống phía dưới được (do cháy ở tầng dưới) thì cần lánh nạn ở ban công tầng cao (xa tầng cháy) và đóng cửa để ngăn khói, chờ đợi đội cứu hộ
Theo thông tin từ báo Thanh niên